Bùng nổ xuất khẩu trái cây: Dừa hữu cơ - hướng đi 'xanh'

Đến nay, tỉnh Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất dừa với diện tích hơn 24.000ha, chiếm khoảng 30% diện tích dừa toàn tỉnh (hơn 79.000ha), trong đó hơn 19.200ha dừa hữu cơ.

Bến Tre, vốn nổi tiếng với những vườn dừa xanh mướt, đang dần chuyển mình sang một hướng đi mới: trồng dừa hữu cơ. Mô hình này không chỉ mang lại những sản phẩm chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao giá trị thương hiệu của dừa Bến Tre trên thị trường quốc tế.

Bến Tre đang có hơn 19.200ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Gần 25% diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ
Đại hội Đảng bộ tỉnh Bến Tre lần thứ XI đã đề ra Nghị quyết 07-NQ/TU về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Trong đó, mục tiêu phát triển diện tích dừa hữu cơ đến năm 2025 là 20.000ha, năm 2030 là 30.000ha.

Theo ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, với vai vai trò của mình, Sở đã hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) để hình thành các vùng nguyên liệu lớn, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đồng thời kết nối các doanh nghiệp thu mua.

Nông dân được hướng dẫn kỹ thuật canh tác dừa theo quy trình hữu cơ, giải pháp phòng trừ sâu đầu đen, quy trình nuôi ong ký sinh trên sâu đầu đen hại dừa, kỹ thuật ủ phân hữu cơ quy mô hộ gia đình từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương và một số giải pháp hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn trên cây dừa.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Bến Tre đã xây dựng mô hình “Vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu” có quy mô 4,5ha, triển khai từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2024. Các vườn dừa này canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ USDA, JAS và EU.

Xu hướng hiện nay, tất cả doanh nghiệp tham gia thị trường dừa xuất khẩu đều phải xây dựng vùng nguyên liệu, chứng minh truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nghị quyết 07 của Tỉnh ủy Bến Tre đã đón đầu xu thế thị trường, giúp doanh nghiệp và nông dân không bị động trong sản xuất.

“Kể từ năm nay, thị trường nhập khẩu sản phẩm dừa hữu cơ yêu cầu HTX phải trực tiếp đứng tên vùng nguyên liệu. Do đó, bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia liên kết với HTX”, ông Huỳnh Quang Đức cho biết thêm.

Đến nay, Bến Tre đã xây dựng vùng sản xuất hơn 24.000ha, chiếm hơn 30% diện tích dừa toàn tỉnh, trong đó hơn 19.200ha dừa sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ. Chuỗi giá trị dừa có 32 THT, 34 HTX tham gia sản xuất, với tổng diện tích đạt trên 10.000ha và trên 7.000 thành viên. Hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành hàng này. Năm 2023, chuỗi giá trị dừa đạt 547 triệu USD.

Vựa dừa hữu cơ hàng đầu cả nước
Ông Nguyễn Bảo Trí, Phó Giám đốc điều hành hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Chế Biến Dừa Lương Quới chia sẻ, tại Bến Tre, từ 2015 đến nay, doanh nghiệp đã liên kết với 17 HTX xây dựng và phát triển diện tích vùng nguyên liệu hữu cơ được 6.371ha với sản lượng từ 3 triệu đến 5 triệu trái/tháng.

Hàng tháng Công ty Dừa Lương Quới thu mua từ 3-5 triệu trái dừa hữu cơ. Ảnh: Minh Đảm.

Khi tham gia liên kết sản xuất dừa hữu cơ, bà con nông dân, THT và HTX nhận được những chính sách ưu đãi và hỗ trợ từ doanh nghiệp. Công ty cũng hỗ trợ chi phí để đánh giá chứng nhận vùng nguyên liệu dừa hữu cơ. Hàng tháng, công ty có đội ngũ kiểm soát nội bộ (ICS), thường xuyên giám sát và hướng dẫn các nông hộ thực hiện canh tác.

Giá thu mua cao hơn thị trường bên ngoài từ 15-20% tùy theo từng khung giá. Nếu giá thị trường từ 50.000 đồng/chục (12 trái) trở xuống, doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn 20%. Còn giá thị trường trên 50.000 đến 100.000 đồng/chục, doanh nghiệp sẽ thu mua cao hơn 15%. Đồng thời, hỗ trợ chi phí thu mua và vận chuyển cho các THT, HTX. Ngoài ra, các HTX có năng lực sơ chế tại chỗ, công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cũng như bao tiêu đầu ra cơm dừa sạch hữu cơ.

“Hầu như, các thị trường đều đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu phải có chứng nhận hữu cơ cho vùng nguyên liệu và nhà máy. Tiêu chuẩn các nước đa phần giống nhau, tuy nhiên sẽ có một vài yêu cầu khác biệt ở từng quốc gia. Chứng nhận hữu cơ như giấy thông hành để sản phẩm dừa vươn ra thị trường thế giới”, ông Nguyễn Bảo Trí khẳng định xu thế sản xuất hữu cơ của ngành dừa.

Hiện, Công ty Dừa Lương Quới đã sản xuất, chế biến, xuất khẩu hơn 10 sản phẩm như cơm dừa nạo sấy, nước cốt dừa đóng lon, sữa dừa uống, dầu dừa, bơ dừa… Một số tiêu chuẩn sản xuất nổi trội mà công ty đang theo đuổi như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Canada, Mexico.

Doanh nghiệp hỗ trợ phân bón hữu cơ cho nông dân. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Trần Quốc Ửng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, đồng thời cũng là Giám đốc Liên hiệp HTX huyện Thạnh Phú chia sẻ, huyện có 7 HTX tham gia liên kết với Công ty Dừa Lương Quới. Doanh nghiệp thực hiện đúng các chính sách đã cam kết nên bà con yên tâm sản xuất. Diện tích ngày càng được mở rộng, tại Thới Thạnh có trên 208ha, Tân Phong trên 20ha, Mỹ Hưng khoảng 20ha, Đại Điền và Phú Khánh hơn 100ha, Hòa Lợi 80ha, Quới Điền gần 70ha.

Tại xã Thới Thạnh, năm 2023 và 2024, ngành NN-PTNT triển khai mô hình nông nghiệp tuần hoàn cho 8 hộ với diện tích 5ha và mô hình “Vườn dừa hữu cơ kiểu mẫu” 1ha. Trung tâm khuyến nông tỉnh hỗ trợ bà con ủ phân hữu cơ từ phân bò, mụn dừa, nấm Trichoderma để bón lại cho cây dừa.

Ông Châu Văn Đỏ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Lợi cho biết, HTX dự định mở rộng lên 120ha trong năm 2024. Ảnh: Minh Đảm.

Khi sử dụng phân hữu cơ tự ủ để bón cho dừa, hàng năm ông Nguyễn Văn Đoàn, xã Thới Thạnh có 3,5ha tiết kiệm từ 30 đến 35 triệu đồng so với sử dụng hoàn toàn phân bón hóa học. Hàng tháng, ông bán được 3.000 trái dừa thu về từ 20-30 triệu đồng. Dưới mương, ông còn tận dụng để nuôi tôm càng xanh toàn đực 3 giai đoạn để tăng thu nhập. Mỗi năm, ông bán cả tấn tôm càng thu về trên 200 triệu đồng.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất dừa hữu cơ còn giúp tạo việc làm ổn định cho người dân địa phương. Ông Châu Văn Đỏ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hòa Lợi cho biết thêm: Hiện tại, HTX tạo việc làm cho 30 lao động, lột dừa, hái dừa, chạy chỉ xơ dừa… với thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng. HTX sẽ củng cố hoạt động, mở rộng thêm diện tích dừa hữu cơ lên 200ha.

Công nhân lột vỏ dừa với thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Đảm.

Với những lợi thế sẵn có, dừa hữu cơ đang trở thành một hướng đi đầy triển vọng cho ngành dừa Bến Tre. Trong tương lai, dừa hữu cơ sẽ không chỉ đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương mà còn khẳng định vị thế của Bến Tre như một vựa dừa hữu cơ hàng đầu cả nước.

Bên cạnh những ưu điểm, mô hình trồng dừa hữu cơ cũng còn những khó khăn, thách thức, nhất là thị trường tiêu thụ dừa hữu cơ còn hạn chế, đòi hỏi cần đầu tư quảng bá và xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, chi phí chứng nhận hữu cơ khá cao, gây khó khăn cho nhiều hộ nông dân. Ngoài ra, nông dân cần được trang bị kiến thức và kỹ thuật trồng dừa hữu cơ.

Tác giả: Minh Đảm - Link: Bùng nổ xuất khẩu trái cây: Dừa hữu cơ - hướng đi 'xanh'

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam