BIỆN PHÁP QUẢN LÝ TẠM THỜI SÂU ĐẦU ĐEN HẠI DỪA OPISINA ARENOSELLA WALKER

 

Từ tháng 7 năm 2020, trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã phát hiện loại sâu lạ gây hại trên dừa tại xã Phú Long, huyện Bình Đại và xã Hữu Định, huyện Châu Thành. Tại khu vực khởi phát của 2 địa điểm này đều bị gây hại rất nặng, ước thiệt hại sinh trưởng trên 70% số lá trên cây và trên 80% năng suất cây dừa.

Theo kết quả của Trung tâm Giám định kiểm định thực vật - Cục Bảo vệ thực vật xác định là loài sâu đầu đen hại dừa có tên khoa học là Opisina arenosella Walker.

1. Hình thái và triệu chứng gây hại:

- Hình thái: Sâu thuộc bộ cánh vảy, họ ngài đêm, là một loài sâu hại ngoại lai nguy hiểm trên cây dừa có nguồn gốc tại Sri Lanka và Ấn Độ (Howard và ctv, 2001), và gần đây nhất là gây hại nặng tại các vườn dừa ở Thái Lan, sâu non (ấu trùng) tấn công cả vườn cây mới trồng đến cây trưởng thành. 

Hình thái sâu đầu đen hại dừa được ghi nhận tại xã Phú Long, huyện Bình Đại

- Triệu chứng gây hại: Theo ghi nhận thực tế tại xã Phú Long, huyện Bình Đại thì loài sâu gây hại chủ yếu từ các tàu lá già bên dưới, dần lên các lá trưởng thành đến các tàu lá non trên ngọn và cả vỏ trái. Sâu cạp biểu bì mặt dưới lá chét, thải phân và nhả tơ kết thành tổ để trú ẩn, khi bị động chúng nấp vào trong tổ hoặc nhả tơ xuống đất. Chính vì vậy, việc phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ loài sâu này gặp rất nhiều khó khăn.

Triệu chứng gây hại của sâu đầu đen hại dừa ở mặt dưới, mặt trên của lá dừa.

Triệu chứng sâu đầu đen hại dừa gây hại trên vườn dừa và trên lá, trái.

 

2. Biện pháp quản lý tạm thời

Thường xuyên thăm vườn để kịp thời phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ như sau:

 - Biện pháp canh tác: cắt tỉa và tiêu hủy tàu lá/lá chét bị sâu gây hại sau đó đốt hoặc vùi xuống nước nhằm làm giảm mật số sâu hại hiệu quả, an toàn cho người và môi trường. Đây là biện pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện ngay sau khi phát hiện sâu đầu đen gây hại dừa.

- Biện pháp hóa học:

Nếu vườn bị gây hại nhẹ: sử dụng thuốc trừ sâu sinh học Bt (Bacillus thurigiensis), nấm xanh (Metarhizium sp.), nấm trắng (Beauveria sp.) phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, có thể phun nhiều lần cách nhau 5-7 ngày.

Nếu vườn bị gây hại nặng: khi sâu tuổi nhỏ phun 2 lần cách nhau 7 - 10 ngày một trong 2 gốc thuốc sau:

+ Phun thuốc trừ sâu gốc Flubendiamide: Takumi 20WG liều lượng 5gam/bình 25 lít nước phun 4 - 5 cây tùy tuổi cây phun ướt đẫm đều 2 mặt lá (theo thí nghiệm của Chi cục Trồng trọt và BVTV, thuốc Takumi có hiệu quả cao trong phòng trị sâu đầu đen hại dừa và an toàn với tôm cá).

+ Phun thuốc trừ sâu gốc Emamectin benzoate (Map Winner 5 WG…) với lượng nước khoảng 6 lít/cây (tùy thuộc vào tán dừa), nồng độ thuốc pha tùy theo hàm lượng hoạt chất của thuốc thương phẩm, phun ướt đẫm đều ở mặt dưới lá, phun 2 lần cách nhau 7-10 ngày.

- Biện pháp sinh học: thực tế trên vườn dừa bị sâu ăn lá gây hại có sự tồn tại nhiều loài thiên địch: ong ký sinh, bọ xít bắt mồi, kiến vàng, bọ đuôi kiềm…. Đây là tiền đề để nghiên cứu kiểm soát sâu đầu đen hại dừa bằng biện pháp sinh học. Biện pháp trên đã được Thái Lan áp dụng thành công trong việc kiểm soát sâu đầu đen hại dừa bằng ong ký sinh.

Đây là loài sâu hại mới chưa có nghiên cứu thực tế tại Việt Nam và loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký phòng trừ, vì vậy, biện pháp phòng trừ tạm thời này được tham khảo thông tin hướng dẫn của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Cục Bảo vệ thực vật và một số ghi nhận thực tế của Chi cục Trồng trọt và BVTV Bến Tre.

Nguyễn Thị Thúy Ngân-Chi cục TT & BVTV

(Nguồn: http://dost-bentre.gov.vn/)